Bắc Giang: Gỡ khó cho phát triển làng nghề
Thiếu vốn, thiếu công nghệ và mặt bằng sản xuất… khiến một số làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Phan Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) được công nhận, trong đó có 23 làng nghề truyền thống. Các làng nghề trên địa bàn tỉnh tập trung ở một số lĩnh vực chủ yếu như: Mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, đồ gỗ và mỹ nghệ. Khu vực làng nghề hiện có khoảng 5.775 hộ và khoảng 18.000 lao động tham gia sản xuất, doanh thu bình quân đạt khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 900 triệu đồng/năm.
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên
Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có 156 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, trong đó có 42 HTX điện, 114 HTX còn lại tập trung vào các ngành cơ khí, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng…. Tổng số lao động trong các HTX là khoảng 2.000 người.
Cũng theo ông Phan Văn Hùng, mặc dù giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng các làng nghề hiện gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề môi trường. Đơn cử, tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên) với hơn 30 lò mổ thường xuyên hoạt động, mỗi ngày các ao hồ xung quanh làng nghề phải tiếp nhận khoảng 100m3 nước thải không qua xử lý. Lượng nước thải và chất thải này sau đó ứ đọng lại trong các cống rãnh, ao hồ gây ô nhiễm.
Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm, huyện Việt Yên (ảnh minh họa)
Tương tự, làng nghề nấu rượu làng Vân (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) do sử dụng phương pháp thủ công, công nghệ lạc hậu cộng với việc phát triển chăn nuôi một cách ồ ạt, không có quy hoạch đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, môi trường nước ở đây bị ô nhiễm trầm trọng nhất. Hàm lượng tạp chất trong nước cao hơn mức cho phép, đặc biệt là lượng coliform cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 21,7 đến 31,2 lần và xuất hiện nhiều sinh vật có hại. Các giếng nước và ao làng đều bị ô nhiễm nặng.
Cùng với đó, tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và đặc biệt là thiếu mặt bằng sản xuất khiến không ít cơ sở muốn mở rộng sản xuất mà không được.
Trước hiện trạng trên, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động gỡ khó cho các làng nghề. Làng nghề Phúc Lâm và làng Vân đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ triển khai dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sở Công Thương Bắc Giang khảo sát xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh tại làng nghề bún Đa Mai, thành phố Bắc Giang
Bắc Giang cũng đã phê duyệt và triển khai 5 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại làng nghề gồm: Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (huyện Việt Yên), kinh phí 3,147 tỷ đồng; mộc mỹ nghệ và dân dụng thôn Đông Thượng (huyện Yên Dũng), kinh phí 3,2 tỷ đồng; rượu Vân Hà (huyện Việt Yên), kinh phí 3,512 tỷ đồng, mỳ gạo thôn Thủ Dương (huyện Lục Ngạn), kinh phí 2,5 tỷ đồng và dự án hỗ trợ làng nghề Trung Hưng (huyện Hiệp Hòa) 3,6 tỷ đồng. Nội dung chủ yếu của các dự án là xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, trạm xử lý nước sạch và hệ thống cống thoát nước, mặt bằng sản xuất.
Tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, đào tạo nghề cho lao động làng nghề. Nỗ lực xây dựng chính sách ưu đãi, kêu gọi các hộ sản xuất trong khu vực làng nghề di dời ra các cụm công nghiệp nhằm có thêm mặt bằng sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ven.vn