Chủ tịch UBND huyện khảo sát vùng quy hoạch cây ăn quả tại xã Hồng Giang

Ngày 12/11, đồng chí Trần Quang Tân - Chủ tịch UBND huyện đã có buổi làm việc với Đảng ủy - UBND xã Hồng Giang bàn về việc xây dựng quy hoạch vùng cây ăn quả. Cùng đi có lãnh đạo một số Phòng chuyên môn của huyện.
Trong vài năm gần đây, bên cạnh việc thâm canh nâng cao chất lượng sản phẩm Vải thiều, nhiều hộ gia đình ở huyện nói chung và xã Hồng Giang nói riêng đã chuyển đổi một phần diện tích cây ăn quả và cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Nhãn, Cam canh, bưởi Diễn và Cam vinh...Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi, chủ yếu là Cam Canh trong toàn xã đã tăng lên 70ha. Sản lượng thu hoạch năm 2014 đạt trên 200 tấn quả, giá trị thu được trên 7 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của UBND xã Hồng Giang tại thời điểm năm 2010, diện tích đất canh tác toàn xã còn khoảng trên 90ha. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế cao từ cây ăn quả có múi, nên người dân ở một số thôn cũng đã đồng loạt chuyển đổi khoảng trên 50ha sang trồng cây ăn quả, số diện tích còn lại sản xuất trong điều kiện manh mún và kém hiệu quả.

Đồng chí Trần Quang Tấn – Chủ tịch UBND huyện đến thăm mô hình cây ăn quả tại thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang


Nhận thấy nhu cầu chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập của người dân là phù hợp, trước đề nghị của UBND xã Hồng Giang và UBND huyện, UBND tỉnh đã đồng ý cho xã Hồng Giang quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh, chuyển đổi cây trồng từ cây hàng năm sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Để xây dựng quy hoạch, UBND xã đã tiến hành khảo sát hiện trạng và nhu cầu sản xuất, khuyến khích nhân dân dồn điền đổi thửa. Đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân hình thành nên vùng sản xuất chuyên canh và lựa chọn 2 cây trồng chính là Cam canh và Bưởi Diễn để trồng trên diện tích nói trên. Hướng dẫn người dân chuyển đổi đúng quy trình và giữ nguyên trạng, không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi và hộ xung quanh. Riêng diện tích Vải thiều vẫn giữ nguyên và đi sâu vào thâm canh nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do diện tích đất canh tác của người dân manh mún, phần lớn là ruộng dộc nên để quy hoạch theo vùng tập trung sẽ gặp phải khó khăn, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của huyện và tỉnh về cơ chế cũng như nguồn vốn cho công tác quy hoạch.
 Tại buổi làm việc, đại diện các ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Tài nguyên môi trường; Kinh tế - hạ tầng và Trạm khuyến nông huyện cũng đã gợi mở một số giải pháp giúp Đảng ủy – UBND xã Hồng Giang sớm thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sỏ những ý kiến của các ngành chuyên môn của huyện và Đảng ủy - UBND xã Hồng Giang, đồng chí Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh: Việc chuyển đổi cây trồng để mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân là hoàn toàn phù hợp. Do vậy, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng theo đúng quy trình, Đảng ủy xã cần ban hành Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã sớm xây dựng Đề án cụ thể và lộ trình quy hoạch chuyển đổi. Để làm tốt được quy hoạch, chủ tịch UBND huyện đề nghị: trước mắt, xã Hồng Giang phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện trong việc rà soát lại các điều kiện; dự trù kinh phí; nguồn giống; quy trình chuyển đổi và những vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên…Cùng đó, UBND xã phối hợp với Viện quy hoạch nông nghiệp để xây dựng quy hoạch cho phù hợp. Chú trọng hình thành vùng cây ăn quả chuyên canh tập trung, gắn với vận động nhân dân vùng quy hoạch xây dựng đời sống văn hóa và chỉnh trang nông thôn mới, khuyến cáo một số mô hình nhà ở nông thôn phù hợp. Chủ tịch UBND huyện lưu ý, UBND xã cần tuyên truyền tới mọi người dân hiểu rõ bản chất của việc chuyển đổi cây trồng là chuyển từ cây hàng năm sang cây lâu năm chứ không phải là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do vậy ngoài việc quản lý tốt quy hoạch, cần phải cương quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng chuyển đổi để đổ đất làm nhà trái phép xuống ruộng.

Vũ Đoàn

Tin liên quan