Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2025

Ngày 13/3/2/25, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 1325/UBND-KTTH về việc chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang năm 2025.

Theo công văn, hiện nay, vải thiều đang chuẩn bị bước vào mùa vụ, với điều kiện thời tiết ổn định, thuận lợi, dự báo sản lượng vải thiều sẽ tương đương với những năm được mùa, với chất lượng cao. Do đó, để chuẩn bị tốt cho công tác sản xuất và các điều kiện phục vụ xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở cả trong và ngoài nước, đảm bảo mang lại hiệu quả cao và an toàn, tiếp tục khẳng định thương hiệu, giá trị trái vải của tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường dự báo tình hình về sâu bệnh, bám sát tình hình diễn biến thời tiết; hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc vải thiều đảm bảo sản lượng, năng suất chất lượng cao và an toàn đáp ứng tiêu thụ trong và ngoài nước. Rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng hiện có; kịp thời khuyến cáo các quy định quản lý, sử dụng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang các thị trường; xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng mã số vùng trồng mới phục vụ xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, khó tính phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các mã số vùng trồng, mã cơ sở sơ chế, đóng gói do thay đổi tên đơn vị hành chính; tiếp tục phối hợp giảm thiểu hao hụt sau thu hoạch và phương pháp bảo quản, sơ chế, đóng gói, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nghiên cứu, phối hợp tuyển chọn giống đầu dòng, phục vụ rà soát, đánh giá giống vải theo định hướng duy trì ổn định vùng sản xuất, đảm bảo chất lượng, khẳng định thương hiệu và giá trị bền vững cho cây vải. Phối hợp quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh năm 2025.

Sở Công Thương phối hợp tham mưu, hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch của UBND tỉnh về xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2025; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, xong trong tháng 3/2025. Chủ trì phối hợp đổi mới các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2025 đảm bảo thực chất, hiệu quả; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh các văn bản đề nghị quan tâm hỗ trợ tỉnh xúc tiến tiêu thụ, thuận lợi hóa thương mại; mời gọi, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân lớn có kinh nghiệm, uy tín về kinh doanh tiêu thụ nông sản của Trung Quốc đến khảo sát, ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều.

Chủ trì, phối hợp tham mưu cho tỉnh liên kết các liên hiệp HTX, các HTX sản xuất tập trung sản phẩm bán và làm việc, đàm phán với các doanh nghiệp tiêu thụ về các nội dung có liên quan; tuyên truyền, phân phối, liên kết tiêu thụ, bình ổn giá, đảm bảo khách hàng trong nước khi có nhu cầu sẽ được đáp ứng ngay. Tổ chức hội nghị, sự kiện xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2025. Chủ động phối hợp tuyên truyền, quảng bá xúc tiến tiêu thụ thuận lợi vải thiều.

Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu giải pháp, công nghệ bảo quản vải thiều tươi phù hợp để ứng dụng, phổ biến, nhân rộng trong thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nhằm duy trì chất lượng, màu đặc trưng, kéo dài thời gian mùa vụ và nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chủ trì, phối hợp nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, xây dựng công trình ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất vải thiều trái vụ ngay sau khi vụ vải thiều năm 2025 kết thúc.

Sở Xây dựng phối hợp tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông; giảm thiểu ùn tắc cục bộ, đảm bảo vận chuyển vải thiều và các hàng hóa được thuận lợi, thông suốt trong mùa vụ vải thiều 2025.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp thẩm định nội dung kinh phí dự thảo Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2025; tham mưu phân bổ dự toán kinh phí khi Kế hoạch được ban hành để các đơn vị thực hiện.

UBND các huyện, thị xã: Lục Nam, Tân Yên, Lục Ngạn, Chũ, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động chủ động bám sát chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn thực hiện tốt và tuân thủ quy trình sản xuất, bảo quản sau thu hoạch đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Trước, trong giai đoạn thu hoạch thường xuyên bám sát cảnh báo, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn về yêu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước để tuyên truyền thực hiện, hạn chế rủi ro và giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu vải thiều của tỉnh, góp phần tiêu thụ thuận lợi. Phối hợp quản lý chất lượng, số lượng, cơ sở đóng gói và mã vùng trồng theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn, tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài khảo sát, kết nối, thu mua tiêu thụ vải thiều.

Chuẩn bị tốt điều kiện và mặt hàng phụ trợ phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong hợp tác, chia sẻ kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, tạo sự đồng thuận về giá bán và giải pháp khác để thích ứng kịp thời với tình hình thị trường, giảm thiểu rủi ro thiệt hại. Chủ động phối hợp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút du lịch mùa vải chín đến với du khách trong và ngoài nước góp phần tiêu thụ thành công vụ vải thiều và tạo sức lan tỏa tiêu thụ thành công cho các loại nông sản khác./.

 

Tin liên quan