Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Hiện nay, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhãn hiệu hàng hoá là một phần không thể thiếu đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn; khi đơn vị xây dựng được một nhãn hiệu uy tín, đi sâu vào tâm trí khách hàng thì cơ sở công nghiệp nông thôn đó sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường, nhờ vậy việc mở rộng thị trường hay tìm kiếm thị trường mới cũng được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tổ chức, cá nhân có sử dụng nhãn hiệu, biển hiệu trong hoạt động của mình nhưng lại rất ít quan tâm đến đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu đó. Vì vậy, nhãn hiệu không có cơ sở pháp lý để pháp luật bảo hộ; nếu khi có người khác sử dụng nhãn hiệu y hệt hoặc tương tự với nhãn hiệu của đơn vị và cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ mà cơ sở cung cấp, thì lúc đó các cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ bị cạnh tranh trực diện, bị mất thị phần và mọi thành quả do chính mình xây đắp cho nhãn hiệu đó như: Quảng cáo, tiếp thị, uy tín được xác lập trong tiềm thức khách hàng... đều bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng, khai thác. Do đó, việc đăng ký nhãn hiệu là một công việc rất cần thiết nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình để tránh bị bắt chước dẫn đến các rủi ro trong cạnh tranh trên thị trường. 

Trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn năm 2015

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, nội dung tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu luôn là hoạt động được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang tập trung, ưu tiên thực hiện. Từ năm 2011 đến năm 2014, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ được 13 nhãn hiệu hàng hoá cho 13 cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh, cụ thể: Sứ Bá Tước (Công ty cổ phần Trường Đức, huyện Việt Yên), máy nông cụ Tuyết Thành (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Tuyết Thành, huyện Tân Yên), gỗ Vũ Thịnh (Công ty TNHH Vũ Thịnh, huyện Lạng Giang), mây tre Hữu Tỉnh (Công ty TNHH một thành viên Mây tre Tăng Tiến Bắc Giang, huyện Việt Yên), gạch không nung (Công ty cổ phần Clever, huyện Lạng Giang), may trang phục (Công ty TNHH Hồng Điều, thành phố Bắc Giang), lưới nhựa công nghiệp (Công ty TNHH Nhựa Sáng Nghĩa, thành phố Bắc Giang), thùng xốp (Công ty TNHH Tuyết Dương, huyện Lục Ngạn), thêu ren Hoàng Lan (Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan, thành phố Bắc Giang), mỳ gạo (Hợp tác xã Mỳ Chũ Xuân Trường, huyện Lục Ngạn), sản phẩm cơ khí nông nghiệp (Hợp tác xã Cơ khí Lạng Giang, huyện Lạng Giang), gốm Khuyến (Cơ sở Lưu Xuân Khuyến, huyện Yên Dũng), trà sạch Thảo Xuyên (Cơ sở Hứa Thị Xuyên, huyện Yên Thế). Đến nay, nhờ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, uy tín sản phẩm của các đơn vị nói trên ngày càng được nâng cao rõ rệt, không xảy ra tranh chấp nhãn hiệu; hạn chế việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và từng bước mang lại lợi ích, sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2015, từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh, Trung tâm tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng và đăng ký thành công cho 5 nhãn hiệu: Gạch xi măng (Công ty cổ phần Xi măng Sông Cầu, huyện Việt Yên), sản phẩm cơ khí (Công ty TNHH Thương mại và Phát triển công nghệ chính xác Thành Trung, huyện Tân Yên), nhóm sản phẩm thực phẩm và hàng nông sản (Hợp tác xã Bình Minh, huyện Việt Yên), hương Linh Sơn (Hợp tác xã An Sơn, huyện Sơn Động), sản phẩm mây nhựa đan Tám Vụ (Hợp tác xã Mây nhựa đan cao cấp Tám Vụ, huyện Tân Yên). Mặc dù đến nay số cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều, nhưng những thành công bước đầu của Trung tâm về lĩnh vực này đã có những tác động tích cực về ý thức xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các cơ sở công nghiệp nông thôn; đồng thời là động lực để các đơn vị còn đang chần chừ, chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác này sẽ có kế hoạch, chủ động xây dựng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong tương lai./.

Vũ Trí Khương - TTKC

Tin liên quan